0902.180.889

9 bước chăm sóc răng miệng để có sức khỏe tốt nhất

Chăm sóc răng miệng và vệ sinh răng miệng tốt là khởi nguồn của sức khoẻ tốt. Sức khỏe răng miệng là một phần quan trọng của sức khỏe toàn thân và là điều cốt yếu để có được một sức khỏe toàn diện và cuộc sống lành mạnh cho tất cả mọi người. Hầu hết các vấn đề sức khỏe răng miệng có thể dễ dàng phòng tránh được bằng cách thường xuyên đến nha sĩ để kiểm tra, phòng ngừa và được chăm sóc đúng cách.

BƯỚC 1: HIỂU RÕ NHU CẦU CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG CỦA BẢN THÂN BẠN.

Chăm sóc răng miệng ngày nay không đơn thuần chỉ có chải răng mỗi ngày, vì dẫu chải răng tốt đến đâu vẫn không đủ. Sức khỏe răng miệng của bạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các yếu tố này gồm loại thực phẩm mà bạn ăn, lượng nước bọt trong khoang miệng, sức khỏe tổng quát và thói quen vệ sinh răng miệng của bạn.

Những thay đổi về tình trạng sức khỏe tổng quát thường dẫn đến những thay đổi về sức khỏe răng miệng của bạn. Ví dụ như:

· Nhiều loại dược phẩm, bao gồm cả vitamin, chất khoáng và thảo mộc, có thể có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng của bạn, như làm giảm lượng nước bọt trong khoang miệng của bạn, dẫn đến khô miệng hoặc viêm nướu và sâu răng.

· Ngoài ra các loại thuốc kháng sinh như tetracycline và doxycycline cũng có thể gây ố vàng răng, xỉn màu răng vĩnh viễn ở trẻ em, và thường xảy ra ở trẻ dưới 8 tuổi. Nếu người mẹ sử dụng các loại thuốc kháng sinh này trong thời gian mang thai, răng sữa của em bé sơ sinh có thể bị ảnh hưởng.

· Hoặc khi phụ nữ mang thai, các hormone trong cơ thể sẽ có nhiều biến đổi cộng với những xáo trộn trong thói quen sinh hoạt hàng ngày khiến phụ nữ khi mang thai dễ mắc các bệnh răng miệng (sâu răng, viêm nha chu,…) hơn bình thường.

· Hoặc bệnh nhân mắc chứng hen suyễn thường thở bằng miệng, đặc biệt là khi ngủ. Thói quen này có thể dẫn đến khô miệng và tăng sự hình thành mảng bám, cũng như tình trạng viêm nướu.

· Hoặc những người đang đeo niềng răng thường gặp khó khăn trong việc làm sạch răng miệng, dẫn đến nguy cơ bị sâu răng và viêm nướu cao hơn.

· Hoặc đối với người lớn tuổi, các bệnh như nha chu, sâu răng và sâu chân răng, răng nhạy cảm, bệnh tiểu đường và chứng khô miệng là những vấn đề thường gặp phải.

BƯỚC 2: TUÂN THỦ THÓI QUEN CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG HÀNG NGÀY.

Một hàm răng khỏe mạnh sẽ cần đến quá trình chăm sóc đúng cách trong thời gian rất dài. Ngay cả khi bạn được những người xung quanh khen ngợi là có nụ cười đẹp với hàm răng trắng sáng thì cũng không nên vì thế mà chủ quan. Điều quan trọng là phải thực hiện đúng các bước chăm sóc răng miệng mỗi ngày để bảo vệ và ngăn ngừa các vấn đề có thể xảy ra:

1. Đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày, mỗi lần từ 2-3 phút.

2. Đánh răng sau khi ăn 30 phút.

3. Chú ý vệ sinh lưỡi

4. Dùng chỉ nha khoa đều đặn, ít nhất 1 lần/ ngày

5. Uống nhiều nước (2 lít/ngày)

Những thói quen này giúp loại bỏ các mảng bám liên tục hình thành trên răng của bạn, là nơi chứa nhiều vi khuẩn. Nếu không được loại bỏ mỗi ngày, mảng bám có thể chuyển hoá đường, có trong hầu hết các loại thực phẩm và đồ uống, thành axit dẫn đến sâu răng. Vi khuẩn trong mảng bám cũng gây viêm nướu và các dạng bệnh nha chu khác.

BƯỚC 3: ĐÁNH RĂNG VÀ VỆ SINH RĂNG ĐÚNG CÁCH

Thói quen đánh răng theo chiều ngang không hề tốt cho răng. Nó không những làm sạch kém hiệu quả mà còn gây ra hàng loạt bệnh lý khác:

· Thứ nhất, do chải răng theo chiều ngang không lấy được hết thức ăn đọng tại chân răng, về lâu dài dễ dẫn đến viêm nướu, nha chu.

· Thứ hai, chải răng theo chiều ngang và dùng lực quá mạnh có thể dẫn đến khuyết cổ răng: nướu bị tụt, làm lộ chân răng rất thiếu thẩm mỹ.

Vì vậy chải răng theo chiều dọc và hình tròn là lý tưởng nhất. Cách này sẽ giúp bạn dọn sạch thức ăn ở cả chân răng và kẽ răng, cũng như không gây tổn thương quá nhiều cho bề mặt răng và nướu.

Ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn biết chải răng đúng cách, vẫn có một số điều bạn có thể cải thiện:

– Thứ tự chải răng: Mặt ngoài – mặt trong – mặt nhai – Hàm trên – hàm dưới

– Động tác chải răng:

· Đặt bàn chải nghiêng 1 góc 45 độ với nướu, chải từng cụm 2-3 răng để đảm bảo sạch các mặt răng.

· Mặt ngoài: chải theo chiều răng dọc

· Mặt trong: đặt bàn chải nghiêng – chải theo chiều răng dọc

· Răng hàm: đặt bàn chải nghiêng, rung nhẹ, hất về mặt nhai

· Răng cửa mặt trong: đặt bàn chải thẳng đứng, rung nhẹ, hất về mặt nhai

· Mặt nhai: áp sát bàn chải vào mặt răng, chải tới lui

BƯỚC 4: SỬ DỤNG SẢN PHẨM CÓ CHỨA FLUORIDE.

Fluoride là loại khoáng chất có khả năng giúp men răng thêm bền chắc, chống lại và làm giảm sinh acid từ vi khuẩn trên mảng bám răng. Việc thiếu hay thừa Fluoride đều gây ra những hệ lụy cho sức khỏe. Nếu thiếu đi Fluoride, bạn sẽ dễ gặp các vấn đề về răng miệng như sâu răng, thậm chí có thể gây ra loãng xương. Nhưng nếu thừa fluoride có thể gây ra các khuyết tật trong men răng, từ các đốm hoặc vệt trắng (hầu như không đáng chú ý) cho đến việc răng đổi màu (nâu) gây mất thẩm mỹ.

Hầu hết các kem đánh răng và nước súc miệng hiện nay đều có chứa Fluoride để ngăn ngừa sâu răng, hỗ trợ tái khoáng hóa men răng.

Và theo khuyến cáo của nha sĩ:

· Đối với người lớn: nên dùng kem đánh răng có hàm lượng Fluoride từ 1.000 – 1.500ppm.

· Đối với trẻ em: hàm lượng Fluoride từ 200 – 450ppm là đảm bảo.

BƯỚC 5: THAY BÀN CHẢI ĐÁNH RĂNG ĐỊNH KỲ 3 THÁNG/LẦN

Bàn chải đánh răng là một vật dụng vô cùng thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, việc thay mới bàn chải định kỳ thường không được chú ý nhiều.

Và nếu bàn chải không sạch thì làm sao có thể vệ sinh răng một cách hiệu quả? Vậy bao lâu thì cần phải thay bàn chải 1 lần?

Vấn đề ở đây phụ thuộc vào tần suất chải răng của mỗi người, tuy nhiên cũng cần phải đánh giá ngoại hình của bàn chải để quyết định thay cái mới chứ không phải quá tuân thủ vào các khung thời gian. Một khi các sợi lông bàn chải có dấu hiệu xơ, mòn, bị toe ra hai bên, là lúc bạn cần phải thay bàn chải mới bởi nó không còn hiệu quả làm sạch nữa.

Việc thay bàn chải mới không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe răng miệng mà thêm vào đó, nó còn tránh được những loại vi khuẩn và mầm bệnh.

Cách chọn bàn chải theo độ tuổi:

· Nhạy cảm (sensitive): thích hợp với những người có lợi quá nhạy cảm do bị viêm lợi và trẻ em dưới 5 tuổi.

· Mềm (soft): thích hợp trong trường hợp lợi có xu hướng chảy máu, và thích hợp cho trẻ từ 5-12 tuổi.

· Trung bình (medium – soft): dành cho đa số người lớn và trẻ em trên 12 tuổi, những người không có vấn đề gì đặc biệt về răng lợi.

· Cứng (hard): chỉ định cho những người có nhiều cao răng, có nghĩa là những người thích uống cà phê, hay hút thuốc lá.

Hầu hết các nha sĩ đều đồng ý rằng bàn chải đánh răng có lông mềm (medium – soft) là lựa chọn tốt nhất để loại bỏ mảng bám và mảnh vụn thức ăn khỏi răng của bạn. Bàn chải đánh răng đầu nhỏ cũng rất được ưa chuộng, vì các loại bàn chải này có thể tiếp cận tốt đến tất cả các khu vực trong khoang miệng, kể cả những răng khó tiếp cận ở phía sau.

BƯỚC 6: HẠN CHẾ ĂN VẶT VÀ ĐỒ ĂN NGỌT

Đặc biệt hạn chế những loại thực phẩm có hàm lượng đường đơn cao và ăn một chế độ ăn uống cân bằng.

Mỗi khi bạn ăn, những vụn thức ăn sẽ dính vào răng và xung quanh răng của bạn. Chính những thực phẩm này tạo điều kiện cho vi khuẩn trong mảng bám phát triển. Các vi khuẩn này sản sinh ra axit. Mỗi lần bạn ăn thực phẩm có chứa đường hoặc tinh bột (đường phức), răng của bạn sẽ tiếp xúc với các axit này. Điều này xảy ra thường xuyên hơn nếu bạn thường xuyên ăn vặt và thức ăn lưu lại trên răng của bạn trong một khoảng thời gian nhất định. Lượng axit liên tục được hình thành này có thể phá vỡ bề mặt men răng của bạn, dẫn đến sâu răng.

Nếu bạn cần phải ăn vặt, hãy chải răng hoặc nhai kẹo cao su không đường ngay sau khi ăn. Kẹo cao su được làm ngọt bằng xylitol cũng có thể giúp giảm lượng vi khuẩn gây sâu răng.

Một chế độ ăn uống cân bằng cũng rất quan trọng. Không nhận đủ khoáng chất và vitamin có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, cũng như sức khỏe tổng thể của bạn.

BƯỚC 7: HÃY NGƯNG SỬ DỤNG THUỐC LÁ DƯỚI MỌI HÌNH THỨC.

Hút thuốc hoặc sử dụng thuốc lá không khói làm tăng nguy cơ ung thư miệng, viêm nướu, viêm nha chu và sâu răng. Sử dụng thuốc lá cũng góp phần gây ra tình trạng hơi thở có mùi khó chịu và các vết ố vàng trên răng của bạn.

BƯỚC 8: HÃY KIỂM TRA RĂNG MIỆNG THƯỜNG XUYÊN.

Ngay cả khi bạn thăm khám nha sĩ thường xuyên, bạn vẫn là người hiểu bản thân mình nhất và nhận thấy những thay đổi trong miệng của bạn hơn ai khác. Nha sĩ chỉ gặp bạn một vài lần trong năm, nhưng bạn có thể kiểm tra miệng của mình hàng ngày/ hàng tuần để phát hiện ra những thay đổi có thể sẽ khiến bạn quan tâm. Những thay đổi trong miệng mà bạn nên chú ý tới bao gồm:

· Nướu bị sưng

· Răng bị sứt mẻ

· Răng xỉn màu

· Các vết loét hoặc tổn thương trên nướu, má hoặc lưỡi của bạn

Ngoài ra, việc kiểm tra thường xuyên sức khỏe răng miệng đặc biệt quan trọng đối với những người sử dụng thuốc lá, những người này có nguy cơ mắc ung thư miệng cao. Nếu bạn hút thuốc hoặc sử dụng thuốc lá không khói, nha sĩ có thể chỉ cho bạn nơi vết loét, vết đốm, mảng bám hoặc cục bướu có khả năng xuất hiện nhiều nhất.

BƯỚC 9: THƯỜNG XUYÊN THĂM KHÁM NHA SĨ.

Dù cho bạn có thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày rất tốt thì vẫn nên đến nha sĩ định kỳ tối thiểu 2 lần một năm.

Và hãy thảo luận với nha sĩ về thời gian định kỳ mà bạn nên đi khám, nếu bạn có tiền sử sâu răng hoặc có gắn mão răng và cầu răng, hoặc đang đeo niềng răng, bạn nên đến nha sĩ thường xuyên hơn.

Một số người, chẳng hạn như bệnh nhân tiểu đường hoặc người hút thuốc, có nguy cơ mắc bệnh nướu răng cao hơn. Những đối tượng này cũng nên đến nha sĩ thường xuyên hơn.

Những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm cũng có nhiều khả năng gặp vấn đề về răng miệng. Chẳng hạn như những người bị nhiễm HIV hoặc đang điều trị ung thư. Đối với những người thuộc nhóm này, việc thăm khám thường xuyên hơn là vô cùng quan trọng để duy trì sức khỏe răng miệng tốt.

Nha Khoa Kim Hưng có hệ thống chăm sóc nhắc hẹn tái khám nha khoa định kỳ, cùng với các bác sĩ luôn sẵn sàng hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc răng miệng đúng nhất cho mỗi trường hợp. Hệ thống trang thiết bị hiện đại phục vụ chẩn đoán và điều trị tại Nha Khoa Kim Hưng giúp khách hàng yên tâm đã được chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng nhất tại Việt Nam.

Niềng răng Huyện Châu Đức Niềng răng Huyện Đất Đỏ
Niềng răng Huyện Long Điền Niềng răng Huyện Phú Mỹ
Đánh giá Bài Viết